HỘI THẢO “HỆ THỐNG GIÁM SÁT AN TOÀN TRÊN CÔNG TRƯỜNG THÔNG QUA CÔNG NGHỆ THỊ GIÁC MÁY TÍNH”

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào nhiều khía cạnh của ngành xây dựng. Với khả năng đọc, hiểu, xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác, trí tuệ nhân tạo có thể giúp các nhà quản lý dự án cải thiện hiệu suất, chất lượng công trình, giảm rủi ro và tối ưu hóa quy trình xây dựng.

Đối với lĩnh vực giám sát an toàn lao động trong xây dựng, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cùng các thuật toán tiên tiến như học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Điển hình là việc ứng dụng AI để phát hiện, nhận diện, kiểm tra, phân tích hình ảnh hiện trường một cách hiệu quả và chính xác, đưa ra cảnh báo về những thay đổi quan trọng cần lưu ý và giám sát an toàn nâng cao, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn lao động trên các công trường xây dựng.

Nhằm chia sẻ các nghiên cứu liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát an toàn lao động, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM phối hợp cùng Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc tổ chức buổi hội thảo: “HỆ THỐNG GIÁM SÁT AN TOÀN TRÊN CÔNG TRƯỜNG THÔNG QUA CÔNG NGHỆ THỊ GIÁC MÁY TÍNH”.

————————————

⏰ 14:00, thứ Bảy 13/4/2024

📌 Phòng Chuyên đề, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Nhà B6, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM

🔥 Đăng ký tham dự tại: https://forms.gle/RUamkZRDLTkHMzfJ6

Buổi hội thảo chia sẻ, thảo luận xoay quanh 4 nghiên cứu gồm:

– Nghiên cứu 1: Ước tính tư thế dựa trên học sâu để xác định các nguy cơ té ngã tiềm ẩn của công nhân xây dựng – Trình bày: Tiến sĩ Park Minsoo, Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc

– Nghiên cứu 2: Phát hiện hư hỏng khi tái sử dụng vật liệu giàn giáo bằng phương pháp thông lượng rò rỉ từ tính – Trình bày: Kim Hansun, Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc

– Nghiên cứu 3: Phát triển mô hình dự báo thảm họa xây dựng dựa trên học máy sử dụng dữ liệu ở dạng cấu trúc và phi cấu trúc từ các công trường xây dựng – Trình bày: Cho Mingeon, Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc

– Nghiên cứu 4: Phương pháp tiếp cận dựa trên NVIDIA Omniverse để tạo dữ liệu tổng hợp được gắn nhãn tự động nhằm phát hiện đối tượng tại công trường xây dựng – Trình bày: Võ Trần Đăng Khoa, Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc

Tại buổi hội thảo, đại diện Đại học Sungkyunkwan Hàn Quốc sẽ thông tin các nội dung liên quan đến việc tuyển dụng nhân sự cho Phòng thí nghiệm CNTT về xây dựng thông minh của trường. Đây là cơ hội rộng mở cho những ai theo đuổi ngành Quản lý xây dựng và Khoa học Máy tính.

🌐 Chương trình Thạc sĩ Quốc tế (BK-IMP) – Trường ĐH Bách khoa là chương trình tiên phong và uy tín trong lĩnh vực đào tạo thạc sĩ khối ngành kỹ thuật và quản trị. Đây là chương trình chính quy, quốc tế với nội dung học luôn được cập nhật kiến thức công nghệ – quản trị mới, có tính ứng dụng cao trong công việc thực tiễn. Ngoài ra, với sự kết hợp giữa đội ngũ giảng viên Trường ĐH Bách khoa và giáo sư đầu ngành, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn từ nước ngoài, BK-IMP sẽ là nơi nâng cao cơ hội nghề nghiệp, khả năng lãnh đạo và tư duy khởi nghiệp cho từng học viên.

————————————

Chương trình Thạc sĩ Quốc tế (BK-IMP), Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM

ⓐ Kiosk OISP, Khu B2, Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM

www.imp.hcmut.edu.vn | ⓔ info@imp.edu.vn

ⓟ (028) 7301.4183 – 03.3366.1414

HỘI THẢO TUYỂN SINH CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ QUỐC TẾ (BK-IMP)

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, cùng với thị trường kinh doanh nhiều biến động, các doanh nghiệp đang nỗ lực với nhiều chính sách thu hút nhân tài trình độ cao, cả về chuyên môn lẫn năng lực quản lý để có thể đáp ứng được “sự chuyển mình” phù hợp với thời đại số.

Là một trong những giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng, chương trình Thạc sĩ Quốc tế (BK-IMP) của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) giúp tăng cường hàm lượng kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực Khoa học Máy tính (An ninh mạng, Khoa học Dữ liệu), Quản lý Xây dựng, Quản trị Kinh doanh, đồng thời bồi đắp kỹ năng quản lý cho học viên để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức Hội thảo thông tin tuyển sinh Chương trình Thạc sĩ Quốc tế (BK-IMP) và tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp nhằm trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến thị trường lao động và các ngành học của chương trình BK-IMP.

⏰ 09:00, thứ Bảy 13/4/2024

▶️Livestream trực tiếp trên fanpage Bách Khoa International Master Programs

➡️Đặt câu hỏi trước cho diễn giả tại: https://forms.gle/EAYNt2BbgM45MxLK8

Theo dõi chương trình để có cơ hội nắm bắt:

✅ Sự chuyển mình của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý xây dựng và nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao

✅ Thông tin chi tiết về Chương trình Thạc sĩ Quốc tế (BK-IMP): các ngành học, điều kiện tuyển sinh Khóa 2024, quy trình nhập học, học phí, chính sách học bổng và chính sách trao đổi sinh viên tại các trường đối tác nước ngoài

✅ Cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp sau khi tốt nghiệp Chương trình Thạc sĩ Quốc tế (BK-IMP) và cơ hội học tập bậc Tiến sĩ tại môi trường quốc tế

➡️Nhanh tay lên lịch tham gia để được giải đáp các thắc mắc liên quan đến xu hướng thị trường lao động, nhu cầu nguồn nhân lực cũng như các ngành đào tạo của chương trình BK-IMP.

————————————

Chương trình Thạc sĩ Quốc tế (BK-IMP), Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM

ⓐ Kiosk OISP, Khu B2, Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM

www.imp.hcmut.edu.vn | ⓔ info@imp.edu.vn

ⓟ (028) 7301.4183 – 03.3366.1414

HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO ĐỂ CHINH PHỤC ĐỈNH CAO

Sáng ngày 24/3/2024, workshop “CHINH PHỤC ĐỈNH CAO – HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO” đã diễn ra tại Hội trường B4, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) với những trình bày, chia sẻ & thảo luận mang giá trị thực tiễn cao từ diễn giả, khách mời và hơn 180 người tham dự. Đây là workshop mở màn cho chuỗi sự kiện xoay quanh chủ đề “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG NỀN KINH TẾ SỐ” do Khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) và Ban đại diện Bkasim – Cựu sinh viên Quản lý Công nghiệp (BKASIM) phối hợp tổ chức.

Tại workshop, diễn giả Phạm Văn Tài (Tổng Giám đốc THACO) đã trình bày chủ đề “Phát triển khả năng lãnh đạo” với 21 nguyên tắc vàng của lãnh đạo, 5 cấp độ lãnh đạo và tầm quan trọng của việc trở thành nhà lãnh đạo ngay từ bây giờ. Thông qua sự điều phối của TS. Dương Như Hùng (Trưởng khoa QLCN), diễn giả Phạm Văn Tài cùng với 3 khách mời gồm ông Phạm Ngọc Thương (Tổng Công ty Xây dựng số 1), ông Thái Bình Quý (VnResource) và ông Hoàng Sắc Son (Ingersoll Rand) đã chia sẻ nhiều câu chuyện thực tiễn kèm theo những phân tích sâu sắc để đúc rút bài học kinh nghiệm quý giá. Đặc biệt, khách tham dự còn được mời thảo luận, phân tích để đưa ra quan điểm và cách giải quyết đối với một số tình huống lãnh đạo thực tế.

Điểm đáng ghi nhận của workshop này là thể hiện được tinh thần “kết nối và chia sẻ để tạo giá trị”, đồng thời góp phần hiện thực hoá mong muốn “hướng dẫn và truyền lửa cho đàn em” của BKASIM – Cộng đồng Cựu sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM).

Nguồn: Bkasim – Cựu sinh viên Quản lý Công nghiệp

* Một số hình ảnh của buổi hội thảo:

Ký kết hợp tác với tập đoàn Aisin, Nhật Bản

Sáng ngày 20/03/2024, Trường Đại học Bách khoa đã tiến hành ký kết hợp tác với tập đoàn Aisin, Nhật Bản với mục đích thực hiện và đẩy mạnh các nghiên cứu công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Buổi lễ ký kết vinh dự đón tiếp ông Naotake Natori – Tổng Giám đốc Dự án và ông Duy Trương – Quản lý Dự án của tập đoàn Aisin. Đón đoàn, đại diện Trường Đại học Bách khoa có PGS. TS. Phạm Trần Vũ – Phó Hiệu trưởng và lãnh đạo khoa, phòng.

Aisin là một tập đoàn Nhật Bản chuyên phát triển và sản xuất các linh kiện, hệ thống cho ngành công nghiệp ô tô. Tập đoàn đang có chiến lược mở rộng tích hợp công nghệ AI theo xu hướng phát triển ngành công nghệ ô tô hiện nay.

Mối quan hệ hợp tác giữa Aisin và Trường Đại học Bách khoa được thiết lập từ năm 2021. Từ đó đến nay, đôi bên đã triển khai các nghiên cứu chung về công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Dựa trên những thành công từ các dự án hợp tác trước đó, Aisin và Trường Đại học Bách khoa tiếp tục tận dụng lợi thế của mỗi bên để xây dựng các công nghệ liên quan đến AI. Phía tập đoàn Aisin sẽ hỗ trợ thiết bị chuyên dụng, nghiên cứu viên và chi phí thực hiện dự án. Song song đó, nhà nghiên cứu, giảng viên của khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính sẽ cùng phối hợp để triển khai và đảm bảo tiến độ dự án theo như thỏa thuận.

Chương trình Trao đổi Ngắn hạn tại Technische Universität Braunschweig (Đức), năm 2024

Chương trình trao đổi ngắn hạn tại Technische Universität Braunschweig, Đức nằm trong khuôn khổ học bổng Erasmus+ do Ủy ban Châu Âu tài trợ như sau:

Điều kiện dự tuyển: Sinh viên đại học/học viên cao học đang theo học tại Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP. HCM. 

Lưu ýSinh viên/học viên năm cuối đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp vào thời điểm đi trao đổi sẽ không đủ điều kiện nộp hồ sơ cho chương trình này. Đối với bậc đại học, sinh viên cần chọn học ít nhất 22 ECTS (tín chỉ của châu Âu) tương đương 11 tín chỉ tại Trường ĐH Bách khoa trong 1 học kỳ. 

Số suất học bổng dự kiến: 3 suất

Giá trị học bổng:

  • Chi phí đi lại: 1500 Euro
  • Sinh hoạt phí: 850 Euro/tháng (trong vòng 1 học kỳ)

 Hồ sơ dự tuyển:

  • Bản scan hộ chiếu
  • Motivation letter (thư viết bằng tiếng Anh trình bày lý do, động lực tham gia chương trình)
  • CV bằng tiếng Anh
  • Bảng điểm song ngữ (hoặc dịch sang tiếng Anh) do Phòng Đào tạo/ Phòng ĐT sau Đại học của trường cấp
  • Kế hoạch học tập dự kiến theo mẫu có chữ ký xác nhận của Thầy/Cô trong Ban Chủ nhiệm Khoa. Trong giai đoạn này, chỉ cần chữ ký phía Trường ĐHBK (“sending institution”). Vui lòng download mẫu Learning Agreement tại link sau đây (ứng viên lưu ý chọn môn học đúng theo học kỳ Mùa Đông): https://docs.google.com/document/d/1T9HLoTmDJ1-gr1hAmTa3C2pkZFcNUk6r/edit?usp=sharing&ouid=110554233161705874600&rtpof=true&sd=true
  • Chứng nhận khả năng tiếng Anh (Sinh viên chưa kịp dự thi lấy chứng chỉ Anh văn vẫn có thể nộp hồ sơ và bổ sung sau. Tuy nhiên, sinh viên cần bảo đảm đủ trình độ tiếng Anh từ B2 trở lên để có thể tham gia chương trình)
  • Giấy chấp nhận đồng ý hướng dẫn của Giáo sự tại Technische Universität Braunschweig, Đức (đối với nghiên cứu sinh tiến sỹ)

Thông tin chi tiết về các môn học bằng tiếng Anh tại Technische Universität Braunschweig: https://www.tu-braunschweig.de/en/courses-in-english

Thời gian học tại Technische Universität Braunschweig cho học kỳ Mùa Đông năm 2024/2025: Từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025 

Cách thức nộp hồ sơ: Ứng viên chuyển tất cả các file sang định dạng pdf và nộp hồ sơ trực tuyến tại link sau đây (sử dụng email do trường cấp): https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSeXLLRmZK0r2A-lFkZBNDaxK4QYRQLEfQt-zpjWOOUDFHLYRA/viewform

Hạn chót nộp hồ sơ: 17g00 Ngày 15 tháng 4 năm 2024

Mọi thắc mắc, vui lòng liên hệ Ms. Thùy Dương qua email: ntduong@hcmut.edu.vn